Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, trung bình cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ở phần 1, chúng ta đã nắm được một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay là bệnh động mạch vành và rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc mức độ và thời gian phát hiện, bệnh nhận sẽ có những biểu hiện lâm sàng khac nhau. Phần này, Globicare sẽ giới thiệu tiếp 3 bệnh lý phố biến tiếp theo của tim mạch tới độc giả. Đó là: Bệnh van tim, tim bẩm sinh, bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh van tim

Van tim có cấu trúc đặc biệt nhằm đảm bảo việc máu lưu chuyển giữa các buồng tim được hoạt động theo chu trình nhất định. Bệnh van tim là tình trạng bệnh lý của tim thường biểu hiện dưới hai dạng tổn thương chính là hẹp van tim và hở van tim, hoặc có thể xuất hiện tình trạng một van tim có 2 tổn thương cả hẹp và hở van tim. Hẹp van tim khiến cho các van tim trở nên dày và cứng, trong một số trường hợp xảy ra dính các mép van, điều này làm hạn chế khả năng mở của van tim, cản trở sự lưu thông dòng máu.

Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh van tim như: bẩm sinh, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, thoái hóa van hoặc sa van tim.

⏩ Dấu hiệu nhận biết:

☑️ Khó thở, tăng nặng khi người bệnh nằm xuống
☑️ Mệt mỏi
☑️ Tim đập nhanh
☑️ Đánh trống ngực
☑️ Chóng mặt, hoa mắt
☑️ Sưng chân, mắt cá chân
☑️ Ho khan, nhất là vào ban đêm

Bệnh tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh có ngay từ khi trẻ mới sinh và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của tim và cách thức hoạt động của tim em bé. Bệnh tim bẩm sinh được biết đến là dạng dị tật phổ biến nhất và là nguyên nhân gây hàng đầu gây tử vong của các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Với những trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, bác sĩ khuyến cáo làm phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật cần thiết trong những năm đầu đời.

Nguyên nhân: chưa có lý giải cụ thể cho bệnh lý này.  Bệnh tim bẩm sinh được cho là do sự kết hợp của gen và các yếu tố khác, chẳng hạn như yếu tố môi trường, chế độ ăn uống của người mẹ, tình trạng sức khỏe của người mẹ hoặc việc sử dụng thuốc của người mẹ trong khi mang thai.

⏩ Dấu hiệu nhận biết:
Theo các chuyên gia, nếu trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện sớm và điều trị có thể dẫn đến tử vong do rối loạn tuần hoàn cấp tính. Nếu trẻ có những triệu chứng giống như dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

☑️ Trẻ không khóc sau sinh, môi, da tím tái và các ngón tay hơi xanh
☑️ Trẻ khó khăn khi thở hoặc thở nhanh
☑️ Thể chất chậm phát triển, nhẹ cân khi sinh
☑️ Khó khăn trong việc ăn uống, khó hấp thu
☑️ Trẻ thường xuyên ho, khò khè, tình trạng tái diễn nhiều lần
☑️ Tim đập mạnh bất thường
☑️ Khó thở khi bú và không chịu bú mẹ

Bệnh động mạch ngoại biên

Đây là bệnh lý tim mạch xảy ra khi các mảng bám từ chất béo, cholesterol, canxi, mô sợi và các chất khác tích tụ lại trong các động mạch mang máu đến não, các cơ quan và các chi gây nên tình trạng xơ vữa động mạch. Thời gian dài, các mảng bám tích tụ và cứng lại, gây nên tình trạng hẹp động mạch.

Có 2 thể viêm tắc động mạch ngoại vi:

  • Bệnh Buerger (viêm 3 lớp thành động mạch): xuất hiện ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), người nghiện thuốc lá nặng, bệnh kéo dài nhiều năm, 95% phải đoạn chi.
  • Viêm, tắc động mạch do xơ vữa động mạch:tình trạng này xảy ra ở người cao huyết áp, có các rối loạn chuyển mỡ máu.

⏩ Dấu hiệu nhận biết:
Bệnh động mạch ngoại biên thường có triệu chứng không rõ ràng và khá mơ hồ, người bệnh chỉ xuất hiện những cơn đau nhói ở bắp chân khi thực hiện các hoạt động thể lúc như đi bộ, chạy và có thể hết sau 5-10 phút. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị một số triệu chứng như lạnh da, da xanh xao, xuất hiện các vết loét lâu lành, chi bị hoại tử…

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng mắc bệnh lý tim mạch, tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này như sau: huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì, di truyền.

Tăng huyết áp vô căn nếu được tầm soát, phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Người có yếu tố nguy cơ cần kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ và đo huyết áp thường xuyên tại nhà để phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp.